Card màn hình (VGA – Video Graphics Array) là một thành phần tối quan trọng trong một hệ thống máy tính. Đây là bộ phận có chức năng xuất hình ảnh ra mà hình để người sử dụng tương tác với máy tính. Trong quá trình sử dụng sẽ có những lúc người dùng phát sinh nhu cầu muốn xem thông tin card màn hình của mình để kiểm tra tính tương thích với các thành phần trong máy hoặc với các phần mềm khác. Nếu như bạn đang có như cầu nhưng lại băn khoăn không biết cách để kiểm tra card màn hình máy tính thì qua bài viết sau đây, chúng tôi xin tổng hợp lại những cách xem card màn hình để các bạn tham khảo.

1. Card màn hình là gì và phân loại card màn hình

Card màn hình (VGA – Video Graphics Array) là một thành phần cấu tạo nên máy tính, có chức năng xử lý đồ họa và đưa ra màn hình. Có thể coi card màn hình là một máy tính thu nhỏ vì trong chứa trong card màn hình là tập hợp các thành phần như bộ xử lý, RAM, nguồn,… Card đồ họa càng mạnh thì khả năng xử lý đồ họa càng mạnh mẽ, giúp hình ảnh khi chơi game hoặc video trở nên mượt mà, sinh động, nhiều hiệu ứng kèm theo hơn.

Card màn hình được chia thành 2 dòng chính, đó là:

Card màn hình rời: thường được dùng trên desktop. Đây là loại card được gắn vào mainboard thông qua các khe cắm mở rộng như PCI-E hoặc được nhà sản xuất tích hợp sẵn vào mainboard trên laptop. Đặc điểm của dòng card này là hiệu năng cao, khả năng xử lý đồ họa mạnh mẽ nên thường được các nhà thiết kế phần mềm đồ họa, các nhà sản xuất kỹ xảo, dựng phim hay các game thủ ưa chuộng. Tuy vậy nhược điểm của dòng card này là tốn điện, ồn ào, tỏa nhiều nhiệt năng và giá thành cao. Hiện nay có 2 hãng thiết kế card màn hình rời nổi tiếng nhất là Nvidia và AMD.

Card màn hình onboard: là dòng card được tích hợp sẵn vào bộ vi xử lý của máy tính, có ưu điểm là giá thành rẻ, tiết kiệm điện năng, ít tỏa nhiệt nhưng hiệu năng đem lại thấp, chỉ phù hợp với người dùng văn phòng hoặc các như cầu nhẹ nhàng như nghe nhạc, xem phim,…

Các dòng CPU của Intel đều được tích hợp card màn hình onboard, trừ các dòng đặc biệt như CPU dành cho máy chủ (Xeon,…). Ngược lại các dòng CPU hiện nay của AMD không được tích hợp card màn hình onboard nên người dùng cần lưu ý sử dụng thêm card màn hình rời khi sử dụng dòng sản phẩm CPU của hãng này. Ngoài ra người dùng có thể lựa chọn dòng sản phẩm tích hợp card màn hình onboard của AMD có tên gọi là APU.

2. Những cách kiểm tra card màn hình máy tính

a) Sử dụng công cụ Task Manager trên Window 10

Nếu máy tính của bạn đang sử dụng hệ điều hành Windows 10 thì bạn có thể kiểm tra thông tin card màn hình bằng cách sử dụng Task Manager bằng cách giữ tổ hợp phím Ctrl + Alt + Del hoặc Window + Esc. Trong bảng Task Manager bạn chọn sang Tab Performance => chọn dòng GPU 0 (1,2,… tùy theo số lượng card màn hình bạn đang sử dụng). Trong mục này sẽ hiển thị loại card màn hình cũng như các thông số về bộ nhớ và driver của card.

b) Sử dụng công cụ DirectX Diagnostic Tool

Bước 1: Các bạn truy cập vào công cụ DirectX Diagnostic Tool bằng cách giữ tổ hợp phím Window + R => gõ dxdiag => Enter.

Bước 2: Trong menu DirectX Diagnostic Tool, các bạn chọn Tab Display. Trong mục Device sẽ hiện thông tin của card màn hình bạn đang sử dụng. Bạn hãy lưu ý các thông tin chủ yếu sau:


– Card name: Tên của card
– Manufacturer: Hãng sản xuất chipset
– Chip type: Chủng loại, model của chipset
– Display Memory (VRAM): Dung lượng bộ nhớ của card, đơn vị là MB
– Current Mode: Độ phân giải màn hình đang cài đặt

c) Sử dụng công cụ Computer Management

Bước 1: Bạn mở công cụ Computer Management bằng cách click chuột phải vào biểu tượng Computer => Chọn Manager.

Bước 2: Trong menu Computer Management, các bạn chọn dòng Device Manager => Chọn Display adapter.

Bước 3: Trong menu Display adapter sẽ hiển thị các card màn hình bạn đang sử dụng. Trong ví dụ dưới đây, máy tính sử dụng 2 card màn hình là card màn hình onboard Intel HD 630 và card màn hình rời Nvidia GeForce GTX 1050. Nháy đúp chuột vào card bạn muốn kiểm tra sẽ hiển thị thông tin driver của card trong Tab Driver.

d) Sử dụng phần mềm GPUZ

GPU-Z là một công cụ kiểm tra chi tiết thông số card màn hình được phát triển và cung cấp bởi TechPowerUp.com. GPU-Z cung cấp cho người dùng những thông tin của card màn hình bao gồm tên card, model GPU, ngày sản xuất, công nghệ chế tạo, dung lượng bộ nhớ, kiểu bộ nhớ, tốc độ xung nhịp của chipset và của bộ nhớ,… Đây là một phần mềm vô cùng được yêu thích bởi giới công nghệ cũng như các game thủ bởi tính tiện dụng cũng khả năng kiểm tra thông tin của card màn hình một cách chi tiết.

Các bước kiểm tra card màn hình bằng GPU-Z như sau:

Bước 1: Tải phần mềm GPU Z tại địa chỉ https://www.techpowerup.com/gpuz/

Bước 2: Khởi chạy chương trình. Các thông số của card màn hình được hiển thị trong Tab Graphics Card.

Những thông tin quan trọng cần lưu ý:
– Name: tên của card.
– GPU: tên mã của chipset.
– Technology: công nghệ chế tạo nên card, thường chỉ kích thước transistor cấu tạo nên chipset.
– Die Size: diện tích tấm đế silicon của chipset
– Release Date: ngày sản xuất.
– Transistors: số lượng transistor chứa trong chipset.
– Subvendor: nhà sản xuất card.
– Bus Interface: giao tiếp bus của card, thường cũng để chỉ loại cổng giao tiếp của card với mainboard.
– Shaders: sô đơn vị đồ họa trong card.
– DirectX Support: phiên bản DirectX cao nhất mà card hỗ trợ.
– Memory Type: loại bộ nhớ VRAM.
– Memory Size: dung lượng bộ nhớ VRAM.
– Bus Width: bus giao tiếp của bộ nhớ VRAM.
– Bandwidth: băng thông bộ nhớ VRAM
– Driver Version: phiên bản driver đang cài đặt trên máy tính.
– GPU Clock, Memory, Boost: xung nhịp của chipset và VRAM cũng như tốc độ xung nhịp tối đa của 2 thành phần này.
– Nvidia SLI: cho biết máy tính có đang chạy kênh đôi card đồ họa hay không.
– Computing OpenCL, CUDA, PhyX, Direct Compute: các công nghệ mà card hỗ trợ.

Bước 3: Tab Sensors cung cấp các thông tin về xung nhịp, nhiệt độ, điệp áp,… của card đang hoạt động.

– GPU Core Clock, GPU Memory Clock: tốc độ xung nhịp thời gian thực của chipset và VRAM.
– GPU Temperature: nhiệt độ chipset.
– Fan Speed (RPM): tốc độ quạt (vòng/phút)
– Memory Used: dung lượng VRAM đang sử dụng.
– VDDC: điện áp đang cấp cho card màn hình.

3. Lời kết

Trên đây chúng tôi đã giới thiệu tới các bạn những cách kiểm tra, cách xem card màn hình máy tính nhanh chóng và chính xác nhất. Từ đó có thể giúp các bạn lựa chọn được những loại card màn hình phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!

Đánh giá post